MH370 đã chở hàng dễ cháy

Sự biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370 có thể bắt nguồn từ 198 kg hàng hóa dễ bắt lửa trên chiếc phi cơ Boeing 777-200.





Một loại pin lithium ion. Ảnh minh họa: Wikipedia

Sylvia Adcock từng phụ trách mục an ninh và an toàn hàng không của trang Newsday.com từ năm 1996 tới 2005. Bà hiện là biên tập viên của tạp chí NC State của đại học bang North Carolina. Bà nêu ra một giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến tình trạng của MH370 hiện nay.

Các nhà điều tra Malaysia chưa tìm được mảnh vỡ cũng như hộp đen để nghiên cứu và kết luận. Bởi vậy, họ tập trung kiểm tra lý lịch các phi công và tất cả hành khách trên MH370, đồng thời phân tích dữ liệu radar cùng những liên lạc cuối cùng từ buồng lái. Họ cũng để ý nhiều hơn nữa đến một manh mối quan trọng: danh mục các loại hàng được chở trên chuyến bay.

Danh sách những thứ nằm trong khoang hàng hóa của mỗi chuyến bay nằm phía trên mục hành lý ký gửi. Các nhà vận chuyển thường dùng máy bay dân dụng để chở hàng hóa hay vật liệu. Việc nắm danh sách những loại hàng trên máy bay trở nên quan trọng bất ngờ đối với việc điều tra tai nạn.

Trường hợp điển hình là vụ tai nạn máy bay ValuJet 592 năm 1996 ở Mỹ. Chiếc máy bay lao xuống vùng Everglades, bang Florida, không lâu sau khi cất cánh từ thành phố Miami. Các nhà chức trách điều tra được rằng phi công đã không kiểm soát được máy bay sau khi ngọn lửa bùng lên từ khoang chứa hàng làm vô hiệu hóa một số hệ thống máy móc. Nguồn gốc đám cháy được lần ra là một lô các bình oxy bị dán sai nhãn và đóng gói không đúng quy cách.

Vụ tai nạn khiến Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ bắt buộc mọi máy bay phải lắp đặt máy phát hiện khói và các hệ thống chữa cháy ở khoang chở hàng của các máy bay dân dụng. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng ra quyết định về việc bình chữa cháy halon (chất chữa cháy dạng khí) phải được đặt trong khoang hàng. Đến nay, những thiết bị này vẫn mang những tính năng giữ an toàn quan trọng cho chuyến bay.

Gần đây, có một loại hàng hóa bị chú ý đặc biệt, đó là pin lithium, một loại pin sạc (như pin điện thoại hay pin máy tính xách tay), còn được gọi là pin lithium ion. (pin Li-ion) Loại thứ hai là pin không sạc được (như pin dùng cho đồ chơi hay cho các thiết bị y tế) còn được gọi là pin lithium metal.

Loại pin thứ hai chứa nhiều năng lượng. Nếu chúng bị bảo quản sai cách thì rất dễ bắt lửa và ngọn lửa này không thể được dập tắt bằng halon. Đây là lý do khiến cục FAA cấm máy bay dân dụng vận chuyển pin lithium metal từ năm 2004. Tuy nhiên, luật này chỉ được áp dụng tại Mỹ, các cơ quan quốc tế vẫn đang xem xét khả năng ban hành quy định như vậy. Riêng pin lithium ion được phép có mặt trên máy bay nhưng phải đóng gói và dán nhãn cẩn thận.
 
Hộp pin lithium gây ra vụ cháy trên chiếc máy bay Boeing 787 của hãng hàng không Nhật Bản năm 2013. Ảnh: Wikipedia

Trong vụ MH370, quan chức Malaysia từng hứa sẽ công bố bản kê khai hàng hóa "vào đúng thời điểm". Sau đó, họ chỉ tiết lộ rằng chiếc Boeing 777-200 chở theo 198 kg pin lithium ion. Chính quyền nước này khẳng định những loại hàng hóa có mặt trên MH370 không gây nguy hại cho máy bay. CNN dẫn một nguồn tin cho biết, Malaysia từ chối đưa bản danh mục hàng hóa cho chính phủ Australia, cho dù điều này là hữu ích đối với việc khoanh vùng tìm kiếm.

Cho dù pin lithium ion khó bắt lửa hơn và cũng dễ bị dập tắt hơn pin lithium metal, cả hai loại này đều có độ lan truyền nhiệt lớn. Mỗi cục pin nhanh chóng truyền nhiệt cho cục bên cạnh, tạo thành đám cháy lan rộng và khó bị dập bằng các phương tiện cứu hỏa thông thường.

Đáng chú ý, pin lithium ion bị quy là nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Boeing 747 UPS năm 2010 ở thành phố Dubai, UAE. Hai phi công đã thiệt mạng khi cố gắng hạ cánh khẩn cấp. Các điều tra viên xem xét hồ sơ vận chuyển hàng và phát hiện lô hàng pin lithium ion không được khai báo là hàng nguy hiểm. Ngọn lửa bùng phát nhanh chóng, phá hủy hệ thống điều khiển, khiến buồng lái ngập trong khói, làm các phi công mất khả năng kiểm soát.

Các nhà chức trách Malaysia cần chú ý đến các yếu tố có thể gây cháy trên MH370. Họ phải xem xét danh sách hàng hóa được vận chuyển hôm đó, đồng thời thẩm vấn các chủ hàng phòng trường hợp có loại hàng bị chuyển nhầm, bị hư hỏng hoặc bảo quản sai cách. Điều tra theo hướng này cũng quan trọng như việc xem xét các giả thiết phi công phá hoại hay không tặc.

Trần Trang (theo CNN)

Post a Comment

Previous Post Next Post